Pages

Showing posts with label Dọn vườn. Show all posts
Showing posts with label Dọn vườn. Show all posts

Friday, November 8, 2013

Thử chẻ sợi tóc làm tư khi đặc vụ chúng ta nhất quả đất

Mấy hôm nay nước Nam rúng động (rung động) khi báo chí nhất loạt vui mừng (tá hỏa) đăng tải hàng loạt kỉ lục của dân ta, nhưng mà của đáng tội, chả biết nên phấn khởi hay vui mừng, vì mọi thứ bòng bong, bá cháy kịch tính như phim. Người dọn vườn lòng tôi lừng khừng, tất nhiên là nào dám đãi bôi dài dòng mọi người, nhưng cũng hóng để sắm một bữa thật thịnh soạn, những mong vui vẻ trẻ trung. Nhược bằng, em lại chả bị tứ mã phanh thây ấy chứ lị. Bão chim gì oanh yến ấy, đang túc tắc vào rồi.

Đầu tiên, phải kể tới vị thế số một của lực lượng điều tra Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Đứng bên cạnh và có thể, tất nhiên chả ai mà lượng hóa được, còn trên vài bực so với những người đồng sự phớt tỉnh Ăng-lê như 007, Nikia hay các siêu điệp viên đông như lợn con nổi như cồn vùng vẫy ở NSA, FBI hay CIA thì chúng ta phải vui mừng lắm. Chả thế mà, các yếu nhân của chúng ta cũng phải ngợi khen ra mặt.

Thảo nào, cuộc sống của chúng ta thanh bình yên ả quá, nào giống mấy anh Tây kia suốt ngày xả súng với xả lựu đạn. Rồi thì trên tivi, nhất là mấy kênh hắt đê, suốt ngày bọn võ biền chửi thề sống chết rồi thì lả lơi gái gú rồi thì cưỡi xe rầm rầm ấy rồi thì máu me be bét. Mà mấy bạn an ninh bên Tây trên mấy chương trình ấy toàn phản gián, hai mang với lại thường xuyên đua xe quá tốc độ, ăn trộm bẻ khóa thì cứ gọi là bằng cụ. Cuộc sống bên ấy nào có như mơ.

Thôi bây giờ dọn vườn:

Đây là trích đoạn phỏng vấn trên báo VNE.

"Từ vụ án ông Chấn, ông nghĩ sao về đánh giá "năng lực của cơ quan điều tra hiện còn hạn chế khi trọng cung hơn trọng chứng"?

- Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc với Cục điều tra Liên bang Mỹ, FBI, thì thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta điều tra rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân.

Tuy nhiên, ở đâu đó năng lực còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt với thế hệ chuyển giao, được đào tạo nhiều hơn nhưng kinh nghiệm lại thiếu, nên đánh giá chứng cứ không tổng quát được."

Phải nói là quý báo đã rất cẩn trọng tút gọn và làm mượt mà đoạn phỏng vấn trên. Tôi thấy, có thể đúng hoặc sai nhưng tôi có ý kiến:

1. Nhà báo ơi, từ một vụ cụ thể thì không thể đánh giá năng lực của TOÀN THỂ cơ quan được. Theo tôi biết thì cơ quan điều tra, ý là công an của chúng ta mỗi xã, phường cộng lại, lực lượng chuyên trách, lực lượng đặc biệt thì con số hàng chục nghìn chứ không ít. Chỉ là một vụ án, sai sót là chuyện khó tránh. Không thể đánh giá được tất cả.

2. Người trả lời ở đây dùng từ tương đối khéo léo, chỉ là "một trong những", chứ không phải là số một. Vậy thì thông tin chưa được lượng hóa ở đây "những" gồm có bao nhiêu?. Tôi dự đoán cũng có khi lên tới hàng mấy chục, ít nhất cũng phải có các anh tài Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nha, Nhật, Trung Quốc, Ý v.v. Vậy thì các bạn facebooker sao phải xoắn chớ. Giỏi thì ta tự hào và tặng giấy khen nhể.

3. Nhưng tôi lại rất băn khoăn vì sao người trả lời lại dùng luận cứ "nhanh" để chứng minh lực lượng an ninh của chúng ta giỏi. Đáng lí ra, và quan trọng hơn ấy là việc điều tra "đúng, chính xác" chứ nhể. Nhanh mà sai thì có mà chả bằng thôi cho rồi..

4. Câu tiếp theo thì tôi không hiểu được ý của người trả lời, hoặc giả của... nhà báo (sau khi được/bị sửa) bản raw phỏng vấn. Tôi cam đoan cần bỏ từ án, rồi thành phần câu còn lại "an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta"... mới trở thành thành phần đề chớ. Nhưng chả nhẽ lại có an ninh + quốc gia và an ninh + giết người cướp của của ta ??? Vậy giả sử để nguyên "án", tôi lại không hiểu cấu trúc này " án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta điều tra rất giỏi". Đáng lí ra, chủ từ là người mới thực hiện được động từ điều tra được chứ nhẩy.

5. Tôi cho rằng để điều tra được kết quả tốt, nhanh, chính xác thì dựa vào nhân dân là chuẩn rồi. Nhưng mà chả nhẽ các nước khác thì lại dựa vào công dân, người dân chứ không phải là nhân dân ? Tôi thấy từ nhân dân có gì đó rất... Việt Nam.

6. Tôi không hiểu khái niệm "thế hệ chuyển giao" vì tôi cho rằng, từ khi con người chúng ta có mặt trên trái đất, từ khi các cơ quan, bất kì cơ quan nào được thành lập cũng luôn "sống" trong tình trạng xôi đỗ, có người cũ, mới có người kinh nghiệm nhiều, người kinh nghiệm ít, người gần như chưa có kinh nghiệm. Giả sử bây giờ chúng ta đang trong giai đoạn chuyển giao, vậy thì đến bao giờ mới chuyển giao xong?

Tuesday, November 5, 2013

Biểu ngữ mà biết nói năng

1. Giáo dục nhân bản lòng tự trọng tinh thần cách mạng tình yêu tổ quốc và nhiều thứ nữa nhưng cơ bản thế đã nhiều lắm trong thời này là một việc làm có ý nghĩa quan trọng thức thời và lâu dài. Bởi lẽ, tất cả chúng, chẳng còn có vẻ nữa, mà thực tế đang suy vi nghiêm trọng, những thứ (cha ông) chúng ta vốn dĩ tự hào đời đời.

Thế nhưng, việc giáo dục và tuyên truyền cầm tay chỉ việc hàng trăm thứ bà giằn khác, tế vi và thực dụng, vạn trạng muôn hình của đời sống đa dạng hiện nay, cũng không kém phần trọng trách và thang giá trị.

Vậy mới có khẩu hiệu này: "Các em gái không thể tự mình mang thai. Các em trai và nam giới phải là một phần của giải pháp".

Thật bất ngờ, trái ngược với các poster hành chính vốn rất nhạt, biểu ngữ trên đã rần rật lan truyền trong giới mộ điệu trẻ trung. Nhiều người phải ồ de, bây giờ thì đã có người nói cho tôi biết làm thế nào để tạo tác thế hệ F1. Bàn tay thông thái của thượng đế ban tặng cho chúng ta bản năng gốc ấy, nhưng chưa cuốn sách giáo khoa nào chính quy thời phổ thông dạy chúng ta việc ấy tường tận, đầy nhạy cảm và phấn khích nhường vậy.

Một bản trẻ (trâu) thốt lên với đồng đội rằng, thôi rồi lượm ơi, gấu nhà mình không thích chuyện này.

Một lão nông tri điền thảng hoặc có lo lắng chuyện đời, gặp biểu ngữ trên cũng phải nóng người mà nổi cơn hỉ nộ ái ố than rằng, trời đất ơi, sao hồi xưa chẳng thằng bá cháy nào dạy ông, giờ mới sinh cảnh con đàn cháu đống, đông quá nuôi chẳng nổi.

2. Ý nghĩa mà người dọn vườn vội vã ghi được có thể là:

Câu trên đã khuyến khích, nói thẳng ra là vẽ đường cho hươu (đực) chạy đấy. Bởi lẽ, gạt nước mắt mà nói thì, câu trên hiểu cho gọn gẽ hay có thể thay bằng một câu vuông vức hơn. Vâng, các em trai và nam giới phải là một phần của... cái thai. Còn "một phần của giải pháp" mà các em nam phải nhanh nhảu, ra sức tiến tới phấn đấu thực hiện, nhiều khả năng là giải pháp làm sao để kiếm người... nối dõi tông đường.

Câu này khiến người dọn vườn liên tưởng tới câu, dù gái hay trai, chỉ hai là đủ. Tuy nhiên, nếu gặp trời mưa chữ nghĩa trên biểu ngữ rơi lả tả, chẳng may mất hết dấu, hoặc bà con ở miền Trung phát âm, thì nguy hiểm quá.

Còn điều nữa, đáng tiếc là câu biểu ngữ có vẻ phân biệt tuổi tác nhể. Các em không/chưa phải là nam giới? WTH? 
3. Nào ai ngờ, câu trên mượn ý của tổ chức UNFPA, United Nations Population Fund, quỹ dân số liên hiệp quốc. Đây rồi: "Girls don’t get themselves pregnant! Boys and men must become part of the solution by curbing exploitation, abuse and subjugation of girls. By ignoring the behavior of boys and men who often force or coerce girls to have sex, or of their communities, which tolerate gender-based violence and child marriage, we are complicit in perpetuating adolescent pregnancy. We must socialize boys differently so they see girls as equal human beings who deserve the same rights and opportunities as everyone else."

Cái đoạn trên được trích lục lại mỗi (gần) hai câu đầu tiên. Hậu quả thì ai cũng rõ.

4. Thôi đây là cách thông hiểu chấp nhận được nhể. Để giảm tải tình trạng mang thai sớm (không mong muốn) của nữ giới, cần lưu tâm tới hành vi và ảnh hưởng của chúng từ phía nam giới.

Điều cuối cùng là, chúng ta đều được sinh ra bởi các bà mẹ, mà có khi là chung một mẹ, Âu Cơ ấy. Hi vọng tấm hình trên không phải do ai đó chế tác. Nếu thông thì thương thay ông lão Google Translate. Kể cũng ngại khi bác tìm kiếm kiêm dịch vụ dịch thuật không chuyên đã thông minh phân biệt boy với lại man, trong khi diễn đạt "em nam" với "nam giới" trong tiếng nước mình nó không nhuần nhị nhể.

Cũng chả trách được, biểu ngữ đâu có thể mở miệng thanh minh thanh nga nửa lời.

Monday, November 4, 2013

Người nông dân với cả thanh niên nghiêm túc buồn nhẹ, thực ra là GATO với dân vãi lúa FA

Cuộc sống đổi thay ngôn ngữ cũng vậy. Chúng ta hồ hởi vui mừng đón tiếp hàng loạt trường hợp anh tài dân gian, hừng hực bực nhất là dân FA reo rắc gieo rắc trên mạng, thế rồi thành trào lưu và các bạn ấy phưỡn phệ thưởng thức thành quả (tai nạn) ngôn ngữ của mình.

Bài này tiêu đề nghe kì khôi, nếu như không quen biết với giới tèn ten (teen), chắc các bác cũng phải cười khểnh người dọn vườn, mà nếu theo đúng phong cách thời đại, những tháng cuối năm hai ngàn không trăm mười ba, tay đang viết dòng này ắt là phải ghi người nông dân hoặc thanh niên nghiêm túc. Tôi tin rằng chúng ta cần có một cái giải thưởng trao cho (các) từ của năm (words of the year), bởi lẽ, chúng ta tốn kém không ít tiền của để khen (ngợi) đểu những thứ xấu xí xa xỉ, chúng ta hao tài tốn của mua vui tổ chức sự kiện cho các trang mạng xã hội, gala với truyền thông (hình như là truyền hình) thực tế. Cũng không tốn kém gì, nếu có thêm một hạng mục nữa, thậm chí chi phí gần như bằng không.

Đó là chuyện của các nhà làm nhà nước, tôi đây dân dọn vườn, đành vui nặng lượm lặt một vài từ trong lúc trà dư tửu hậu.

1. FOREVER ALONE

Đầu năm, dân FA xuất hiện ồ ạt trên mạng. Tôi ngờ ngợ "dân FA" ẩn chứa ý tình quỷ quái gì đây, và không chấp nhận mình thua kém đi hỏi han này nọ, tôi Google.

Mà dân FA hiểu là dân Forever Alone, dân cô đơn, chưa có người yêu, độc thân.

"Dân FA" xuất hiện khi nào? Tôi dùng Google Search và thiết lập tìm kiếm theo dữ liệu cụ thể. Kết quả có thể chỉ là tương đối, vì Internet lổ hốn hổ lốn quá, nên tạm thời xác định, khái niệm "dân FA" xuất hiện không sớm hơn giữa 2012.

Bài đầu tiên có nội dung, tiêu đề liên quan đến khái niệm "dân FA"  trên trạng mạng chế nổi tiếng này HÀI VÃI LÚA (có thể) là "Sự thật về dân F.A", đăng ngày 14 tháng 08 năm 2012.

Từ điển tiếng lóng trực tuyến Urban Dictionary cũng có mục từ riêng dành cho Forever Alone. Như vậy, nhiều khả năng, từ này do các cư dân mạng học đòi, chế theo. Tất nhiên, từ tiếng Anh như vậy thì khả năng vay mượn gần như là 100 %.

2. GATO, CK với cả VK

Trên trang mạng nổi tiếng dành cho dân chém gió, ngày 15-03-2011, một thành viên đặt câu hỏi GATO là gì? Cư dân mạng cũng nhốn nháo tìm kiếm xem nghĩa của cái từ có vẻ bí ẩn này, nào đâu là chiếc bánh. Vâng, nó là ghen ăn tức ở.

Tháng 9 năm 2013, báo TT có đăng một bài viết lấy tiêu đề ngắn gọn "Gato à" để giễu cái chuyện sính chữ (vặt) này. Dễ thấy từ này xuất hiện cũng đã cách đây một vài năm.

Cái trang mạng nổi tiếng mà tôi nói ở trên, cũng là "thánh địa" của hàng trăm vụ nhọ khác. Một số thánh tự tin sáng tạo, hoặc cóp nhặt, thêm thắt, chế biến, ăn trộm à quên, vay mượn từ tiếng nước ngoài. Các thím khác trong cái trang này hò hét phấn khích khi hiểu được các siêu từ ngữ đẳng cấp ấy. Xin giới thiệu với các đồng chí đang yêu, dù có tin và kế hoạch dài hạn đưa vk về làm vợ khùng, vợ khờ, hoặc cười tủm, nhẩy phóc lên xe hoa nơi các ck tương lai, những ông chồng khùng, chồng khốn, chồng khờ chờ hay không. Đây là một số trường hợp các thím nên quan tâm:

- TROLL: Trêu chọc, nghịch nhĩ, có thể nặng nhẹ nhưng thường xu hướng hài hước, đáng cười.

- CMNR: Chắc các thánh mạng cười khẩy vào từ này vì các thánh biết cmnr nhể. Xin lỗi, ấy là: có món này rồi, cứ muốn rói rứa hay con mẹ nó rồi gì đấy!

- FB, STT, COCC, GATI vân vân và vân vân thì thôi rồi toàn những điển cố điển tích kinh điển (niên) khó có ông nào theo kịp các thím. (FB có thể là facebook, stt: status, COCC: con ông cháu cha còn GATI thì...)

- GẤU: Người yêu, bồ là nữ. Nếu là nữ giới mà chưa có người yêu thì nhiều khả năng, cư dân mạng sẽ biểu nhau là tau/tao/tớ/tui chưa có gấu (đực)!

Việc lựa chọn đơn vị ngôn ngữ nào trong quá trình giao tiếp là có tính chất chủ quan. Nhưng mà hạn chế làm méo mó Tiếng Việt bao nhiêu, càng có lợi cho quá trình thông hiểu giữa các cá nhân trong xã hội bấy nhiêu. Xã hội đã có chuẩn, và nếu không vì trolling thì xin đừng vất vả cất công nghĩ thêm những gì Vũ Trọng Phụng hồi xưa đã chế giếu, có đúng thế không các thím, cũng như em, đều là dân TYPN.

Là một thanh niên nghiêm túc, người nông dân này biết làm sao, thôi thì thế thời phải thế, gạn đục khơi trong.

3. BUỒN NHẸ

Năm 2013 chứng kiến sự lên ngôi của "có một sự buồn nhẹ", thay cho có thể là vãi lúa với vãi luyện. Từ khi có một sự buồn nhẹ xuất hiện, chúng ta thêm thắt và chế biến thành có một sự vui, nhớ, khốn khổ, sung sướng, tỉ tê, vv...nhẹ (nặng). Thôi thì cho có phong trào.

Buồn vui mà cũng cân đo nặng nhẹ được, thì há chẳng phải, đã tìm ra thuốc chữa rồi sao và cũng đến lúc người ta mang bán.

Người nông dân định viết tiếp, nhưng thôi, đành nhắm mắt nhấn nút Publish, ngay và luôn. Đấy, lại ngay và luôn nữa.

Sunday, November 3, 2013

Cua càng nói càng cua càng cười

Ngày xưa, đại thi hào Nguyễn Du thường xuyên dùng "càng", tỉ dụ như hai đoạn sau, trong cảnh Kiều gặp Thúc Sinh:

Từ câu 1280
Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào .
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chăng ưa ?
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
Từ câu 1380:
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Hương càng đượm lửa càng nồng,
Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.
Đấy chưa, có sao đâu cơ chứ, thực từ với chả hư từ.

Nhưng mà trong này, có thể cân nhắc chỉnh sửa một chút. Câu ấy là câu này "Cốt sao để người đọc càng nhiều càng tốt". Người nông dân đắn đo xem có chuyện chi chăng. Các lựa chọn khả dĩ, đáng lí ra, như sau:

- Cốt sao để (càng nhiều) người đọc càng nhiều càng tốt.
- Cốt sao để người (vào) đọc (các bài ấy) càng nhiều càng tốt.

Nhiều khả năng, câu nguyên gốc có thể là "Cốt sao để người vào đọc các bài ấy càng nhiều càng tốt", nhưng vì một lí do nào đấy, đã bị lược bỏ thành "Cốt sao để người đọc càng nhiều càng tốt".

Tại sao "Cốt sao để người đọc càng nhiều càng tốt." không ổn? Ta thử so sánh với một số lựa chọn sau, dựa vào quy luật liên tưởng của ngôn ngữ:

"Cốt sao để người (ấy) đọc/ăn/uống càng nhiều càng tốt" ===> Thêm "ấy" nữa nhể, rõ ràng, nghĩa khác nhiều lắm: (chỉ) một người ấy + động từ + cái gì đó + nhiều lắm.

Ví dụ như tiêu đề của đoạn này "Càng cua nói càng cua càng cười", thì chuyện khi nói khác nhau ngắt nghỉ, khi viết khác nhau dấu phẩy, sẽ tạo ra những nội dung ngữ nghĩa khác nhau, trong một chừng mực nào đấy khả dĩ.

- Cua càng nói thì càng cua càng cười. Chẳng hạn chấp nhận nhân hóa tạm thời "càng", như truyện dân gian về chuyện càu nhàu giữa mồm, miệng với lại dạ dày, gan phổi.
- Con cua (có cái) càng nói, càng cua càng cười.

Tóm lại, người dọn vườn đề nghị câu trên báo nên sửa lại là "Cốt sao để càng nhiều người đọc càng tốt" thay cho "Cốt sao để người đọc càng nhiều càng tốt".

Điểm cuối cùng là, người dọn vườn, rất thích cách ví von "những con kền kền" trong bài báo trên. Và tất nhiên cũng không khoái khẩu gì món cải  luộc rất phổ biến hiện nay.

"Lộ mật", nhũ nhi hơi sữa rặt hơi đồng

Hầu như ngày nay, việc xác định từ nào mới xuất hiện, các sáng tác ngôn chương (thêm thắt đấy, ngôn từ/ngữ văn chương/chương từ rứa đó) đã trở nên đơn giản nhường bao, kể từ khi ai cũng biết là sẽ vội vã đặt vé nhờ vả bác Google.

Thế thì "lộ mật" cũng không phải là một ngoại lệ.

Nếu cậy Google, dễ dàng đi kết kết luận "lộ mật" là một nhũ nhi mới cứng, còn rặt hơi sữa trên Internet, khi lần đầu tiên được dùng với tiêu đề này "Lộ mật về cuộc chiến tình báo giữa Liên Xô và Australia"

Giả thuyết tiên khởi: nếu có "lộ mật" thì nó cũng không phải chính chủ, thay vào đó, bị dung dưỡng dùng tự do (thực ra là dùng bừa). Báo giới gần đây thường dùng thuật ngữ "kẻ lộ mật" để chỉ nhân viên an ninh nổi tiếng Edward Snowden, vốn bị xem là phản bội lại nhà nước Ăng-lê, hiện đang tạm trú lánh ở Nga.

Nhiều khả năng, tác giả đã tự làm mới lại mình, hoặc nói cho chính xác, làm mới lại hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ của bác tìm kiếm, và tiếng Việt mình. Nhược bằng không, anh (chị) ấy đang co quắp nhầm lẫn rồi.

Và nhiều khả năng nữa, anh (chị) ấy có thể đã nhầm cái đơn vị siêu đoạn tính "lộ mất" thành "lộ mật" chăng?


Một từ thú vị như vầy, nhưng nhiều khả năng, đáng tiếc thay, có cơ hội rất thấp để gia nhập đại gia đình các từ Tiếng Việt của năm.

Một thông tin thú vị nữa là trong bài dịch trên, tác giả dùng khá nhiều lần các từ có tiếng "mật", ngoài "lộ mật", ấy là: giải mật, tình báo mật, tài liêu mật (x2), bí mật (x3), giải mật.

Ôi giời nhưng mà, người đọc thì đúng là vỡ mật. Bỗng nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền: "Máu tham hỡi thấy hơi đồng thì mê".

Theo TP.

Saturday, November 2, 2013

Phê phán việc phê phán câu view có tính chất câu view

Thực ra định đặt tiêu đề cho phen dọn vườn này ban đầu là "Lời trích mà biêt nói năng". Tuy nhiên, vì anh nhà báo hàm răng... vẫn còn, bởi thời nay chẳng ai rảnh việc đi vả người khác rồi lại đền tiền, đi tù hoặc đành chờ xã hội đen xử luật rừng, thế nên, mới leo cây to, nhờ bóng cả mà sống, cái tiêu đề.

Cuộc chiến chống lại phong trào trồng cải hiện vẫn lai rai, nhưng mà rõ ràng, chưa khi nào ngừng ngơi tiếng súng, giữa một bên âm thầm nhả đạn thúc đít đòi chấm dứt ngay, và bên kia, vì cơm áo gạo tiền lương bổng thu nhập danh tiếng, vẫn không thôi cợt nhả đùa vào mũi người dùng, chả cần quân tâm họ có thông thái hay không, chỉ cần tôi có tin tê tái hoặc (ếch) nhái để cá kiếm, kiếm cái.

Mới đây, chính xác là sáng nay, một trong số những người da đỏ cuối cùng còn sót lại, đã nổ tiếng súng thứ nhất, dịp cuối năm hai ngàn không trăm mười ba, đánh vào bọn câu view. Dân mạng hả hê, đến cả các anh em công nghệ Tinh văn Tế cũng phải hối hả lai, ấy nhầm, like.

Xin phép được dọn vườn, ấy là.

1. Chỉ riêng cái trích dẫn trong ngoặc kép, vốn rất quan trọng, tư liệu để làm minh chứng thuyết phục cho bài viết, đây này “Buổi sáng Anh Quân dậy sớm nấu cám cho 125 con gà ăn”! lại chẳng có trên tổng đài Google. Xem ra đoạn này có màu sắc thêm thắt, hoặc giả đã bị Google gạt khỏi kho dữ liệu mất rồi (mà như thế thì cũng chả sao, bớt rác). Vậy thì, đề nghị gỡ dấu ngoặc chéo, hay chi tiết hơn là thêm phần dẫn giải, đại ý, nội dung ấy hình như là, có vẻ như là...

Trên Google Search cũng không thấy nội dung nào liên quan khi sử dụng từ khóa "Anh Quân" + "nấu cám", nếu có thì cũng là cái anh Quân nào ấy. Từ khóa  "Anh Quân" + "125 con gà" cũng không cho kết quả gì khả quan hơn. Thậm chí từ khóa "125 con gà" cũng ra những chuyện chi chi ấy. Người dọn vườn không tìm thấy bài viết ấy, mà như tác giả khẳng định, do báo điện tử đăng.

2. Câu cuối cùng của bài viết có phần khiên cưỡng quá "Tất cả điều đó đã đánh trực tiếp vào nồi cơm của những người lao động tha hương từ Quảng Ngãi ở Sài Gòn với bao nỗi niềm.", vì nhỡ có một người nào ở Quảng Nam hay Huế vô Sài Gòn bán hủ tiếu gõ thì sao nhể? Nhưng mà xin phép không dọn vườn. Chỉ xin nhà báo lần sau hãy viết "từ Quảng Ngãi ở thành phố Hồ Chí Minh" nhé.

Một điểm hơi bức xúc là anh Báo (không phải) Cũ vẫn tiếp tục chôm link như hồi xưa, trước khi có vụ lùm xùm ăn trộm link cách đây mấy tháng. Rõ ràng là mèo ta vẫn ăn quẩn cối xay.

Bằng chứng rành rành đây: http://www.baokhongphaicu.com/Tham-hoa-cau-view-/76/12316291.epi

Xin lỗi vì bạn có thể phải nhăn trán để tìm ra liên kết gốc.

Alex Ferguson sẽ về Việt Nam bán sách vỉa hè ?

Bố nào đặt ra câu hỏi thế này, chắc là phải liều lĩnh lắm, hoặc giả đã tương đủ vài chai cuốc lủi made in Việt Nam rồi mới dám cứng cựa tếu táo. Nước ta là một quốc gia trù (mật) phú tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, con người hiền hòa vv... Nhưng mà, ngài hiệp sĩ nổi danh xứ sở sương mù chắc chắn sẽ chả đời nào về đây bán sách bên vỉa hè, vốn chủ yếu là sách không có bản quyền, mà nói huỵch toẹt cho nó vuông là sách lậu, kiếm tiền tỉ đâu. Làm một tay Tây ba lô hay tay Tây túi xách càng cua chắc cũng chả sung sướng là bao khi lặn lội giữa sương mù Hà Nội, á nhầm, khói bụi thủ đô.

Vậy thì dọn vườn cái nỗi gì? Xin thưa, với tiền đề từ bây giờ cho đến khi ông Ferguson về với các bậc tiền bối, chắc chắn ông sẽ không (có điều kiện) tiêu Việt Nam đồng, chuyện xin đừng để ông ngộ nhận về số tiền khổng lồ mình kiếm được với cuốn sách mới in sau khi đổi sang ngoại tệ là rất đáng ngâm cứu.

Tiêu đề của bài báo "Alex Ferguson bán sách 7 ngày thu về 47 tỷ đồng" thật là một cách mần thông minh, khéo léo quá đỗi để người đọc bị hút về phía nguồn tin. Con số 47 tỉ đồng so với tâm thức tiên nghiệm của người Việt Nam thì quả là quá khổng lồ, nhất là từ việc bán sách vốn xưa nay và sau này chả có.

Nhưng mà còn nhiều hơn thế trong bài báo. Chẳng hạn, có lẽ từ "được" là dư thừa trong trường hợp câu mở đầu bài viết:"“My Autobiography” của Sir Alex Ferguson là cuốn sách không thuộc thể loại tiểu thuyết được bán chạy nhất tại Vương quốc Anh kể từ năm 1998". Ngoài ra ở đoạn đầu, đề nghị tác giả ghi chữ hoa tên cuốn sách "Nấu ăn", hay "Cuốn sách nấu ăn", hay cuốn sách nấu ăn có tên là ABC, XYZ.

Ở đoạn cuối, tác giả đã ngầm lí giải vì sao mình chọn con số 47 tỉ đồng chứ không phải 1.4 triệu bảng. Thực tình, tác giả cũng có lí do của mình, khi anh (hoặc chị ấy) có thể khẳng định, tin tức cần được việt hóa cho phù hợp với người đọc. Vả lại, con số 1.4 triệu bảng đúng là mơ ước với mọi công dân đang sinh sống trên toàn cầu lúc này, chứ không chỉ có người Việt Nam. Chỉ đáng tiếc, cách dùng "cùng kỳ" trong câu "Cựu HLV CLB Manchester United như vậy đã “đút túi” 1,4 triệu bảng (tương đương 47 tỷ đồng), chiếm 38% doanh số bán sách của cả Anh quốc trong cùng kỳ." có vẻ chưa ổn. "Cùng kỳ" theo tôi biết vốn chỉ dùng cho tháng, hoặc quý, nửa năm, vài năm cụ thể, dài dài một chút. Trong "Sổ tay từ Hán Việt cho người mới bắt đầu học" của Lại Cao Nguyên và Phan Văn  Các trang 139 có chú thích tiếng "kì", nghĩa số 7 là "thời hạn, chu kì. định kì, học kì". VD: kì thi, xuân thu nhị kì, học kì.

Bài này ban đầu có tiêu đề là "Alex Ferguson sẽ về vỉa hè Việt Nam bán sách", hồi sau, trước khi đi đến kết quả cuối cùng hiện hành, định đặt là "Alex Ferguson sẽ về bán sách vỉa hè ở Việt Nam?

Nguồn.

Friday, November 1, 2013

Tình và tình huống, cứ núi đôi là khủng

Quan sát cách các pusher viên, các đẩy bài viên lên mạng, ta lại có thể hoan hỉ bắt tay vào công việc hàng ngày. Dưới đây là một tiểu bài viết hấp dẫn trên trang chủ của một tờ tin tức tổng hợp. Xin trích nguyên văn:
Tiêu đề: Mơ màng mò ngực bạn gái trên khán đài, quên xem trận bóng
Nội dung chính: (Đoạn 1) Sức hấp dẫn không thể cưỡng lại từ cặp “núi đôi” khủng của bạn gái ngồi kế bên khiến nam CĐV mơ màng, đê mê đến nỗi quên béng rằng mình đang xem trận bóng.
(Đoạn 2) Đó là tình huống diễn ra trong một trận đấu giữa Monarkasa và Atlas (Mexico) mới đây.
Các thẻ (tag) của bài viết: bạn gái, quên béng, núi đôi, cưỡng lại, khán đài, dại, hấp dẫn, Mexico, tình
Khó có thể khéo léo hơn trong bài viết vô cùng tinh tế/xảo(quyệt) nêu trên, khi nội dung chính là một video ngắn cũn cỡn, tác giả đã suy luận và đi đến kết luận tuyệt đối về trạng thái của nhân vật trong bài báo. Một trận đấu bóng kéo dài trung bình trên 100 phút, tính cả giờ giải lao. Do đó, một video chỉ chừng có 21 giây, thì không thể đi đến cực cấp "quên xem trận bóng" (hiểu là toàn bộ trận bóng). Trên thực tế, khi dán mắt vào video trên, kẻ dọn vườn vẫn có thể dễ dàng quan sát anh chàng ham mê sắc dục này (diễn đạt lại: anh chàng tham sân si này) vẫn còn dành ít nhất 50 % tâm trí cho trái bóng.

Nhưng mà còn hai chuyện hấp dẫn nữa.

Thứ nhất, nội dung chính của bài viết miêu tả/dùng từ [cặp "núi đôi" khủng]. Vâng, dùng "núi đôi" thì ẩn dụ quá rồi, và tất nhiên "khủng" thì ực ực, hấp dẫn lắm rồi. Nhưng mà tếu táo (hay diệu vợi?), bát nháo quá.

Tại vì tác giả của bài viết không nhìn thấy (qua video). Sự thực là "ngoại cảnh" trong video không thể xác thực thông tin sự tình trên. Vậy lí do đơn giản là:

Các nhà làm tin thì cứ ngực khủng là hấp dẫn trí tưởng tượng của người đọc. Thời đại báo chí giá rẻ, miễn phí mà, phải tội mỗi giá 3G tăng.

Thứ nữa, xem các thẻ phục vụ mục đích liên kết, quảng bá nội dung (SEO gì đấy), rõ ràng các thẻ này phản bội lại tiêu đề, nội dung. Vì các thẻ "dại", "tình" đã bị nhúng vô tình, trong khi nội dung của bài viết chỉ có "tình huống". Sử dụng phán đoán chủ quan, ta dễ dàng đi đến kết luận, ở đây không phải là "tình huống" mà là các loại tình khác vốn dĩ khơi gợi hơn.

Kết luận: Viết báo là một nghệ thuật, nhưng đưa, đẩy tin đến nhiều bạn đọc trẻ tuổi khéo léo mới là nghệ thuật vị nhân sinh đích thực.

Phụ nữ to dày hay là trang oét ba chỉ

Thật là lố bịch khi xếp cái cặp tính từ hổ lốn kia, ít nhiều loang lổ màu sắc miệt thị, tiêu cực, ồn ã và xồm xoàm bên cạnh chị em, đường đường chính chính phái đẹp, hoa ghen nguyệt thẹn. Ắt hẳn, kẻ tay trái dao phay, tay phải búa rìu này, cũng phải ba chân bốn cẳng chạy lắt léo cho khéo, mới mong thoát khỏi gạch đá của thiên hạ.

Ấy vậy mà, dọn vườn.

Thực ra, đấy là cách phiên ba chỉ, ý là nửa nạc nửa mỡ, thịt hạng trung lưu của cái trang web nổi danh hiện nay trong giới share link (chia sẻ các đường liên kết trên mạng Internet) PHUNUTODAY chấm gì ấy.

Nhưng mà phụ nữ to dày chưa phải đã hết, ối anh còn chơi chữ thượng thừa bằng cách hiểm hóa, mà thực ra là xiên xỏ, chẳng hạn:

PHUNUTODAY = PHỤ NỮ TAY ĐÔ = PHỤ NỮ TO DÀY = PHỤ NỮ TỚ ĐÂY = PHỤ NỮ TÔ ĐẦY = VÂN VÂN XIÊN XẸO.

Hôm nay, không phải là một phen dọn vườn chính thức, nhưng mà đề nghị các bạn Facebooker hạn chế đâm chọc rứa nghen, kẻo rồi nhà người ta không mần ăn được. Đã là trang oét ba chỉ, vậy thì cũng có thể dự đoán, rằng để mua vui cho các bạn dẫu chả được một vài trống canh, là tốt lắm rồi.

Thursday, October 31, 2013

Ngày tận thế

Hôm nay là ngày Ha-lâu-oen, hình như là thế, mình đang suy nghĩ tới việc blogging trong vòng vài năm dòng series "Dọn vườn". Vì hâm mộ cuốn sách sưu tập hai tập vốn in trên tờ Văn nghệ nhiều năm có cùng tên. Là người dọn dẹp, thì đôi khi cũng quét nhầm, và chẳng phải như các cụ vẫn hay thông thái ví von, chỗ tối xẩm nhất ấy là ngay chân đèn, chắc chắn, người làm vườn không công này, nếu có hoàn tất kế hoạch, ắt cũng phải lấm tấm bụi bặm mình nghịch ngợm cợt đùa. Nhưng mà thôi, việc ấy tính sau.

Bởi vì hâm mộ anh Lý Tiểu Long, nên bài viết về anh ấy có đăng trang trọng trên Báo Mới, chộp liền. Đáng ngạc nhiên là tác giả phiên dịch đoạn này hơi cà tưng, chưa nhuần nhị tự nhiên "thông tin về ngày tận thế của X, Y, Z". Ngày tận thế là quan niệm vốn bắt nguồn từ Tân ước, thánh kinh của người Công giáo, nói về thời điêm trời đất hòa làm một, kết thúc "phiên làm việc" của đất, đến trời. Ý nói trong đoạn này là chết ấy. Nhưng mà có vẻ không hợp lí. Tại sao mình không đơn giản hóa là "ngày cuối cùng trên dương gian", "ngày mất", "ngày cuối cùng", trong khi tiêu đề đã làm rõ nội dung rồi (Giờ phút cuối cùng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long). Nhiều khả năng tác giả có ý định dùng từ cho khỏi lặp.

Sẽ cập nhật phần dọn vườn 1 này khi đối sánh Anh - Việt, bản tin gốc.

Trong một buổi phỏng vấn ở Hồng Kông, cựu nữ diễn viên Đài Loan Đinh Phối cuối cùng đã hé lộ thông tin về ngày tận thế của tài tử họ Lý tại căn hộ của cô ở Hong Kong ngày 20/7/1973, khi ngôi sao võ thuật này mới chỉ 32 tuổi.

Theo nguồn.