Trở ngại chính mà người đọc truyện ngắn Kafka gặp phải là lựa chọn một hướng tiếp cận thông qua hàng hà sa số cách giải mã khác nhau và ngày càng nhiều thêm. Một trong số đó là cách tiếp cận theo hướng xem tác phẩm của nhà văn là các tự truyện. Theo lối này, trước tác của Kafka chẳng là gì ngoài phản chiếu lại xung khắc suốt cuộc đời nhà văn giữa một cuộc sống đơn thân và lựa chọn lập gia đình hay, ở một tầm khác, là những mâu thuẫn giữa hoài nghi luận của nhà văn với bản chất tôn giáo ông theo. Trong khi, hướng tiếp cận này có vẻ khả tín khi không nhiều cây viết từng kích động tuyên cáo: "Những gi tôi viết là về ông [bố Kafka]. Trong đó, tôi chỉ chua thêm một ít sầu muộn tôi đã không thể thở than nơi lồng ngực ông." [Thư gửi cha], tuy thế, sẽ là nguy hiểm nếu coi những lắng lo đã tỏa chiếm hết các tác phẩm của Kafka theo hướng này. Vỡ mộng và cuối cùng là thái độ ghét bỏ của nhà văn với cha là một thứ kích thích để ông ngồi vào bàn, nhưng chúng không thể giải thích được sự mê hoặc trong văn ông, hay tỏ lộ cho chúng ta biết lí do ông cầm bút.
Tiếp cận Kafka theo hướng tâm lí học hoặc tâm lí học phân tích hầu như bỏ qua nội dung trong trước tác của nhà văn và dùng ngay "những gì lộ ra" khi thẩm thấu như chìa khóa vàng để giải mã thế giới của Kafka. Chúng ta biết rằng Kafka không xa lạ với các bài giảng của Sigmud Freud (ông thể hiện điều này trong nhật ký sau khi hạ bút cuốn "Phán xét" năm 1912) và nhà văn đã thể hiện các vấn đề thông qua biểu tượng theo cảm quan của Freud. Do đó, người ta có thể đọc Kafka khi nắm được tư tưởng của Freud. Tuy vậy, nếu quá tập trung vào hướng tiếp cận tâm lý học phân tích, có vẻ như, người ta sẽ không phải đang đọc Kafka nữa mà là một văn bản nào đó vận dụng phân tích tâm lý học hoặc theo biểu tượng học của Freud. Chính Freud thường khẳng định, phương pháp phân tích ông truyền dạy không dùng để giải mã các giá trị nghệ thuật.
Có một hướng giải mã khác là xã hội học, theo đó, tác phẩm của Kafka đơn giản là tấm gương phản chiếu bối cảnh xã hội lịch sử thời nhà văn đã sống. Với hướng phân tích này, câu hỏi không phải là những gì Kafka đã thực sự trở trăn, thay vào đó là những nguyên nhân vì sao nhà văn, giả định là, đã thể hiện vậy. Cách tiếp cận theo hướng tâm lí học và xã hội học có điểm chung là giả định sai lầm rằng từ những tư liệu về tâm lý và xã hội trong cuộc sống của nghệ sĩ phủ định ý nghĩa thể hiện trong tác phẩm của anh ta.
Theo hướng nghiên cứu xã hội học, một trong số các phương pháp phê bình quen thuộc đánh giá nghệ thuật của Kafka là xem xét liệu nghệ thuật của ông có đóng góp gì không cho sự phát triển của xã hội. Dựa trên tư tưởng Mác-Lê Nin rằng nghệ thuật phải trở thành công cụ nhận thức xã hội phi giai cấp, hướng giải mã này rất quen thuộc không chỉ ở các quốc gia Cộng Sản mà cả trong giới phê bình Tân Cánh Tả Á Âu. Phê bình Mác-xít tác phẩm Kafka luẩn quẩn giữa việc triệt để phê phán sự thiếu sót của Kafka khi chưa đưa ra bản án cho chính sự tế thân của ông (một nạn nhân), dưới bàn tay của giai cấp tư sản và giữa những tung hô nhấn mạnh tinh thần chiến đấu của các nhân vật anh hùng trong trước tác của ông cổ võ cho giới vô sản. Coi Kafka là người cổ võ cho tầng lớp cần lao và xem đây là giai cấp lãnh đạo, không chỉ giới phê bình Cộng sản chính thức thừa nhận, giới "cấp tiến" Tây phương cũng chia sẻ quan điểm này. Và đúng là Kafka đã soạn một cuốn sách nhỏ thương cảm cho tình cảnh của những người công nhân. Tuy thế, trong một lần trao đổi với người bạn Janouch, Kafka tán dương Cách mạng Nga, và nhà văn biểu lộ nỗi sợ hãi của mình rằng những hệ lụy tôn giáo [religious overtones] của nó có thể dẫn đến một kiểu viễn chinh hiện đại với những tổn thất sinh mệnh khủng khiếp. Đương nhiên, một nhà văn với phẩm chất như Kafka có thể mô tả nỗi khiếp đảm của một chế độ toàn trị đang chậm rãi trỗi dậy (Phát xít Đức) mà không trở thành người truyền tin về chủ nghĩa cộng sản, như giới phê bình Cộng sản thường khẳng định. Người ta có thể đọc Phiên tòa như một câu chuyện về sự tế thân (nạn nhân) của K do bàn tay Phát xít (3 trong số các chị em Kafka chết trong trại tập trung); đó thực sự là một trong số những hàm ơn lớn lao nhất người ta có thể dành cho Kafka ngày nay rằng ông đã thành công trong việc vẽ nên nỗi kinh hãi của chủ nghĩa phát xít, vốn lúc đó vẫn trong trứng nước, một cách rất thuyết phục. Nhưng người ta không thể bỏ qua hay phớt lờ sự thật rằng trên tất thẩy, Kafka là một nhà thơ; và một nhà thơ thường thể hiện nghệ thuật theo nhiều cung bậc và sắc thái của chính đời sống con người đầy biến ảo. Nhìn Kafka như một cuộc cách mạng chính trị hay xã hội là bởi vì vị bác sĩ vùng quê của ông, chẳng hạn thế, hay các viên thanh tra đất cát trong Lâu đài tìm cách thay đổi đổi định mệnh của mình thông qua sự tham gia tự nguyện thay vì những áp lực bên ngoài thì cũng chẳng khác nào bóp méo tầm quốc tế của Kafka để khuôn ông vào một khung tư tưởng nào đấy.
Gắn bó chặt chẽ với lối giải thích Mác-xít xem truyện Kafka tuồng như là tôn giáo là vô số những hướng tiếp cận mang màu sắc tôn giáo và triết học trong nỗ lực giải mã thế giới mà nhà văn đã kiến tạo. Đó có thể là những biện giải thần học phức tạp, tới những nhận định thuần túy. Mặc dù bản chất tôn giáo của Kafka là một chủ đề đủ phức tạp và gây tranh cãi đảm bảo cho đường hướng tiếp cận khác nhau, các nhà phê bình theo những hướng này là bất khả, như chính các đồng sự theo hướng tâm lý học và xã hội học, khi xem Kafka đơn giản là một người nghệ sĩ. Tất cả đều có điểm chung là niềm tin cho rằng "ý nghĩa thực sự" của Kafka nằm ngoài những chuyện ngụ ngôn và biểu tượng, và do đó có thể được diễn đạt hay hơn theo những cách bản thân nhà văn tránh theo cách này hoặc cách khác. Sự tự phụ trong cách tiếp cận này nằm ở niềm tin rằng người nghệ sĩ phụ thuộc vào nhà triết học nào đó khi chuyển thể những mô thức biểu đạt mơ hồ của anh ta thành những thuật ngữ trừu tượng và logic. Tất cả đều không phải để tranh luận về tâm hồn mang ý thức tôn giáo và triết học của Kafka cũng như mối ưu tư của nhà văn trước những câu hỏi không nguôi về sự hiện hữu của con người. Đó chỉ là ông đã sống, nghĩ suy và viết bằng những hình ảnh và không phải nhờ vào những cấu trúc ý niệm đã "mã hóa". Bản thân Kafka coi những câu chuyện của mình chỉ như những điểm kết tinh những vấn đề của ông: Bendemann, Samsa, Gracchus, người nghệ sĩ đói khát, ông bác sĩ vùng quê, Josef K., và K trong Lâu đài - tất cả những người đàn ông này đều gần gũi với những người thân là nghệ sĩ và trí thức của Kafka, mặc dù điều này sẽ không biến những hình ảnh không ngừng ám gợi đầy chủ tính của ông thành một bộ sưu tập dữ liệu.
Giải mã luôn là một việc dễ gây tranh cãi và trong trường hợp Kafka, có lẽ còn rắc rối hơn so với các tác giả khác. Lí do là các tác phẩm của ông 1) về cơ bản kịch liệt phản đối những lề luật vô lý quản thúc đời sống chúng ta 2) phản ánh bi kịch của con người đang trôi tuột theo vô số lối dẫn lòng thòng đan xen, nhờ thế, tác phẩm của ông mang tầm vóc quốc tế và 3) mang phong vị đa dạng, với nhiều cách kiến giải trước những cảnh huống giống nhau tại những thời điểm khác nhau. Đặc biệt, điểm thứ ba gợi ý cho sự rời rạc và nghịch lý đối với tâm trí người đọc vốn khư khư tập trung truy nguyên các truyện của Kafka cái hạt nhân vô lý thường trực. Các bức tranh của Kafka thường, như Max Brod luôn nhiệt tình chỉ ra, không chỉ biểu tượng cho bản thân chúng mà còn cho một điều gì đó ngoài chúng.
Những khó khăn này đã khiến nhiều học giả khẳng định Kafka hiếm khi tư duy về bất kì điều gì cụ thể trong các truyện của mình. Từ quan điểm này, người ta nhanh chóng đi đến thái độ tương đối (luận) rặng mọi cách giải mã Kafka xem ra đều đúng. Chẳng hạn, người ta có thể trả lời lại rằng "không nghĩ về điều gì cụ thể" không cách nào giống với "nghĩ tới nhiều thứ trong cùng một thời điểm". Nghệ thuật của Kafka, trong hầu hết các sáng tạo của ông, có thể đẩy hướng thể hiện thứ hai kia lên tầm trác tuyệt. Tuy ban đầu nhuốm màu nghịch lí, thưởng thức tác phẩm của Kafka từ nhiều góc nhìn phù hợp khác nhau không phải là một lời dẫn dụ tới tương đối luận tổng quát nhưng là một bảo chứng cụ thể rằng người ta sẽ nhận trân được rất nhiều những tầng bậc khác nhau trong tác phẩm của ông.
Mặc dù có nhiều khác biệt trong cách tiếp nhận tác phẩm của Kafka, tất cả đều sau rốt phải chạm mặt với một thế giới phần nào phong kín. Bất kể những gì Kafka thể hiện là một phản tư của chính bản ngã ông nhiều mặt trong một bối cảnh chính trị và xã hội cụ thể, nó là một phản tư bị phá vỡ và bóp méo bởi những cái ngoài rìa rành rọt trong tư duy phân tích của ông. Vì thế, những người mà các anh hùng của ông gặp gỡ và những người chúng ta tri kiến thông qua lăng kính của họ là không "thật" theo cảm quan tâm lý học, không "đúng" theo thực tiễn và không "tự nhiên" về mặt sinh học. Dấu chỉ phân biệt của chúng ấy là cái gì đó đang được tạo thành. Có lần Kafka lưu ý với người bạn Janouch rằng: "Tôi không vẽ chân dung những người đàn ông. Tôi kể một câu chuyện. Chúng là những bức tranh, chỉ là những bức tranh". Nhà văn đã thành công trong việc cài cắm chúng đủ những dáng vẻ hợp lý và đưa chúng lên tầm những biểu tượng và chuyện ngụ ngôn hiện vẫn còn sống động chính là bí mật trong nghệ thuật của ông.
Các câu chuyện của Kafka không lôi cuốn chúng ta vào việc phân tích chúng giữa đôi bờ hiện thực và tưởng tượng. Một thế giới xa lạ và không thể thay đổi mở ra trước chúng ta, một thế giới có những lề luật chẳng giống ai gò bó và phát triển theo logic riêng. Thế giới ấy là thế giới của chúng ta và cũng không phải. Những bức tranh và biểu tượng của nó được lấy từ thế giới của những hiện tượng của chúng ta, nhưng chúng cũng dường như thuộc về nơi nào đó nữa. Chúng ta cảm thấy mình đối diện với những người chúng ta biết và những tình huống chúng ta đã nghiệm sinh từng ngày trong đời ta, và đồng thời những con người ấy, những cảnh huống ấy cũng xa lạ sao đó. Chúng có thực và cảm thấy được, nhưng chúng cũng kì quặc và trừu tượng. Chúng sử dụng một thứ ngôn ngữ trang nhã thiếu khuyết vẻ lộng lẫy nhằm đảm bảo mọi giao tế giữa chúng mang sắc thái ý nghĩa, và cho dù chúng thất bại, chuyển di từ đối tượng này sang đối tượng khác cũng giống như những con thuyền giữa màn sương chẳng tỏ lối. Nhưng ngay cả cái màn mù sương này, một lãnh địa của kì quái (siêu- hiện thực) có bảo chứng gì đó xác thực chính chúng. Do thế, chúng có được cảm giác hứng khởi rằng những nhân vật của Kafka nói những điều gì đó mang ý nghĩa trác việt nhưng tạm thời lúc ấy chúng ta chưa thấu hiểu được.
Cuối cùng, dường như độc giả bị bỏ lại với hai lựa chọn cách "đọc" Kafka. Một là xem thế giới của nhà văn dày đặc những chuyện ngụ ngôn và biểu tượng, được phóng đại và tạc tạo một cách kì quái (và do thế hiện thực hơn cả hiện thực), một thế giới hiện ra trước mắt chúng ta với một viễn tượng trong mơ về chính điều kiện sống của chúng ta. Một lựa chọn khác là phớt lờ tất cả những nhận định về ông, ngay cả những nỗ lực thấu hiểu thế giới của ông, để rồi chính chúng ta chạm mặt với thế giới ấy, cái không khí của ám ảnh lo lắng, của kì quái huyền ảo, và thường xuyên - những hứa hẹn yếu ớt của hi vọng.
Theo https://www.cliffsnotes.com/literature/t/the-trial/critical-essays/understanding-kafka